24 thg 12, 2009

Giáng sinh vui vẻ nhưng Yêu cẩn thận

Giáng sinh đến rồi! Một dịp rất đặc biệt để mọi người thể hiện tình yêu thương đến với nhau. Cầu chúc tình yêu thương, sự an lành sẽ luôn ngập tràn trong trái tim lớp mình và trong trái tim của tất cả mọi người trên thế gian này.

Không biết mọi người sẽ thể hiện tình yêu thương với nhau như thế nào nhỉ! H.Châu xin chia sẻ một cách thể hiện tình yêu thương rất độc đáo, được “phát minh” bởi một đứa bé chỉ mới 4 tuổi thôi. Cách thể hiện này có tên: “HÃY YÊU CẨN THẬN” (sẽ rất có ích cho các ông bố, bà mẹ). H.Châu


Người cho ra đời cụm từ mới mẻ này, “Yêu cẩn thận” là một cậu bé 4 tuổi. Cậu buộc phải nghĩ ra nó vì những từ “yêu” có hậu tố như yêu say đắm, yêu hết mình, yêu chân thật... đều không diễn tả được tình yêu, cách yêu riêng biệt của cậu.

1. Một buổi tối năm ngoái, như mọi buổi tối khác, vào giờ đọc truyện trước khi ngủ, tôi đọc cho con trai mình câu chuyện về sóc, khỉ và rùa. Chuyện có nhiều đối thoại. Để cho cháu dễ phân biệt và thêm sinh động, tôi “lồng tiếng” cho mỗi nhân vật tùy theo tính cách của chúng và tình huống trong câu chuyện. Thế là mình tôi hóa thân thành 4 nhân vật: sóc, khỉ, rùa và người dẫn chuyện.

Cháu chưa từng đến trường một ngày nào, dù là nhà trẻ hay mẫu giáo, và dĩ nhiên là chưa biết chữ, nên “chương trình” đọc chuyện đêm khuya của tôi là kênh chuyện kể duy nhất của bé. Bình thường bé đã rất thích “chương trình” này, hôm đó bé lại càng phấn khích. Bé nằm im không nhúc nhích, nín thở, mắt mở to theo dõi câu chuyện, nét mặt và ánh mắt biến đổi theo từng diễn biến câu chuyện và sắc thái tình cảm trong giọng nói của mỗi con vật, đôi khi bé bật cười lớn và còn cho lời bình luận.

Khi tôi vừa đọc xong, bé chồm dậy ôm hôn tôi rất nồng nhiệt, sau đó hôn má bên này rồi má bên kia, mắt bên này rồi mắt bên kia, hôn lên bàn tay, xong hôn từng ngón một - đủ 10 ngón... Khi hôn, bé chăm chú vào nụ hôn của mình, hít vào thật sâu, hôn rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Lúc đầu thì tôi buồn cười, và sau đó thì ngạc nhiên.

Tôi hỏi:

- Sao hôm nay con hôn mẹ kỹ vậy?

- Con hôn mẹ cẩn thận vì con yêu mẹ cẩn thận.

Câu trả lời rành rọt của bé khiến tôi kinh ngạc. Sự trang trọng trong giọng nói và cử chỉ của bé khiến tôi không dám nghi ngờ vào sự nghiêm túc của bé. Nằm trong lòng tôi, có lẽ không phải là một cậu bé 4 tuổi mà là một người - đàn - ông - bốn - tuổi đang bày tỏ tình yêu sâu sắc, nồng nàn với mẹ - người phụ nữ đầu tiên, thứ nhất trong cuộc đời anh ta.

Từ đấy, hôm nào bé cũng hôn tôi thật kỹ lưỡng như vậy, đến từng ngón chân, ngón tay khi tôi bày tỏ với bé, tôi rất thích được “hôn cẩn thận vì yêu cẩn thận”.

Bắt chước bé, tôi cũng “hôn cẩn thận” bé trước khi nói lời tạm biệt đi ngủ thay cho một nụ hôn qua loa, vội vã vào trán, vào má như trước đây. Bé rất thích thú và cảm động, nói to: “Con cảm ơn mẹ. Con yêu mẹ nhất đời”. Trong ánh mắt long lanh sáng của bé, tôi thấy được cả biển hạnh phúc trong tâm hồn bé.

2. Khi tôi kể cho chồng câu chuyện “hôn cẩn thận, yêu cẩn thận” của con trai, anh rất ngạc nhiên và xúc động, nói: “Anh nghĩ mình nên bắt chước con thôi. Không ngờ một đứa trẻ bốn tuổi có thể dạy cho cha mẹ nó rằng đã yêu thì phải yêu như thế nào và phải thể hiện tình yêu ấy như thế nào”. Rồi anh đùa: “Anh sẽ là người học theo con trước, với vợ của anh”.

Nhìn lại tình yêu của vợ chồng mình, chúng tôi biết chúng tôi yêu nhau sâu sắc và thương nhau rất nhiều. Cùng với nhau, chúng tôi đã biết đến và đã trải qua nhiều cung bậc của tình yêu: bồng bột, si mê, say đắm, mãnh liệt, nồng nàn, sâu sắc... Trong ngôn ngữ yêu đương - yêu thương của loài người, chúng tôi biết có đến hàng trăm từ ghép có tiền tố và hậu tố “yêu”. Nhưng, phải chờ cho đến khi con trai tôi nói ra trong giây phút bộc phát tình cảm thơ ngây trong sáng, chúng tôi mới biết đến có một cách yêu khác, “yêu cẩn thận” và do đó có một cách hôn tương ứng, “hôn cẩn thận”.

Có thể không hôn thường xuyên, nhưng khi hôn thì “hôn cẩn thận”. Có thể không yêu được tất cả thiên hạ, nhưng đã yêu ai thì “yêu cẩn thận”.

Còn bạn, bạn có muốn yêu cẩn thận và được yêu cẩn thận không? Có thể cách yêu này, cách hôn này trái với thói quen cố hữu của bạn, nhưng học nó và thực hành nó rất dễ. Bởi vì, nó được “phát kiến” bởi một đứa trẻ chỉ có 4 tuổi! (15/12/2009 15:05, báo Thanh Niên)

Hồng Châu

21 thg 12, 2009

Lớp chúng mình rất vui

Chỉ còn vài tiếng nữa là ngày mới bắt đầu, ngày mai – ngày 22-12-2009. Ngày này, cách đây một năm, lớp mình có nhớ??? Ngày này, năm xưa, chúng ta chính thức học chung với nhau một lớp, chính thức bước vào con đường “tu luyện” để thành “thờ sờ”. Trước đó, chúng ta có học anh văn với nhau, nhưng, rất rời rạc, chia làm 3 lớp, mạnh ai nấy học, chưa quen chưa biết, chưa có tình cảm với nhau. Có thể, trước khi đến với lớp, đã có vài người quen nhau trước, đã có vài người là đồng nghiệp của nhau, đã từng tiếp xúc với nhau, nhưng khi chúng ta chính thức học chung trong lớp K20 này, chúng ta mới thật sự gắn bó, hiểu nhau hơn…

Một năm đã trôi qua, lớp chúng ta đã đi được gần một nửa chặng đường, chúng ta đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vất vả trong việc học, trong việc làm, trong gia đình, trong cuộc sống… Tình thân ái của lớp mình ngày càng tăng, ngày càng chặt, ngày càng bền (100 năm vẫn chạy tốt J). Tập thể lớp mình rất rất tuyệt. Mọi người đều quan tâm, gắn bó với nhau, chia sẻ, giúp đỡ nhau hết lòng hết sức, mọi người rất yêu thương nhau, rất chăm chỉ, cần cù, trách nhiệm: bài tập nào cũng hoàn thành, môn thi nào rồi cũng sẽ đạt điểm cao… (cầu mong sẽ như thế :) ). Lớp mình rất hiểu nhau, đây không phải là ý kiến chủ quan, kết quả này đã được khảo sát trên 2009 người (trừ đi 1981 người còn 28 người) và được minh chứng qua việc tham gia các hoạt động trên lớp trong các môn học, đặc biệt là môn thầy Sơn: chỉ cần nghe vài đặc điểm, là cả lớp nhận biết được đó là ai… Và trong tất cả các buổi “tám” của các thành viên trong lớp, khi nhắc đến một ai đó trong lớp, là cả “hội tám” đều có thể “tám” rất rất nhiều về đặc điểm, về tính tình, về năng lực, về tình cảm, về những kỷ niệm… mà người đó có với lớp. Đây không phải là “tám” để gây chia rẽ, “tám” để nói xấu nhau, mà là “tám” để “kể yêu” với nhau; nếu lớp mình quan sát kỹ, sẽ thấy được trong ánh mắt đó, trong lời nói đó, trong cử chỉ đó tràn ngập tình yêu thương chứa chan, rất chân thành, thân tình, gần gũi… Nếu không có những trái tim chân thật, nếu không có những tấm lòng thành, sẽ không thể làm được như thế, phải không lớp mình?

Lớp mình đang phải tăng tốc hết sức để vượt chướng ngại vật là 12 môn (và thêm môn anh văn nữa) nên chắc mọi người chẳng còn tâm trí để đọc những dòng chữ này… Nhưng H.Châu vẫn tranh thủ viết, nhân dịp kỷ niệm một năm lớp chúng ta quen nhau và hy vọng những kỷ niệm từ xưa quay về này sẽ giúp lớp mình thêm động lực, thêm năng lượng, thêm niềm tin… để thi thành công, vậy nhé (^_^)

Tặng lớp mình bài hát:
>

Lớp chúng mình rất vui (Mộng Lân)

Lớp chúng mình rất rất vui, anh em ta chan hòa tình thân.

Lớp chúng mình rất rất vui, như keo sơn anh em một nhà.

Đầy tình thân quý mến nhau, luôn thi đua học chăm tiến tới,

Quyết kết đoàn giữ vững bền, giúp đỡ nhau xứng đáng K20 “thành q Uỷ”…

Hồng Châu